Cảnh quay đẹp trong phim của Đường Nhân

Pikachu

Pika Pika
Thành Viên
Nói đến Đường Nhân, không chỉ là sự tinh tế trong từng khung hình, từng câu nói, mà còn là lối dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn, đặc tả biểu cảm nhân vật khéo léo, cách chọn cảnh, ánh sáng, góc độ quay tỉ mỉ, hay ngay cả những đạo cụ vô cùng nhỏ bé cũng vô cùng tuyệt vời . Có thể nói mình chưa thích một nhà làm phim nào đến vậy.

Mình là một đứa rất thích xem phim, nhất là phim cổ trang. Từ lúc cảm nhận về nội dung và nhân vật, đến lúc để ý cẩn thận từng cách diễn và kỹ thuật quay, mình đã từ từ nhận ra những cái hay trong đó. Trước đây mình xem phim ít khi chú ý đến nhà làm phim, chỉ chú ý đến nội dung và diễn viên. Có thể mình đã xem nhiều phim của Đường Nhân, nhưng phải đến khi xem “Bộ Bộ Kinh Tâm” mình mới bắt đầu nhìn lại cái tên Đường Nhân ấy.

Có ai xem qua “Bộ Bộ Kinh Tâm” mà không phải xuýt xoa khen ngợi, không phải nhìn lại những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình, mà rút ra những điều hay điều dở? Và có ai không phải cảm ơn Đường Nhân vì đã đưa họ đến với “Bộ Bộ Kinh Tâm”, cũng như đến với Đồng Hoa? Cái hay nhất của họ không phải chọn diễn viên tốt, cũng không phải là tỉ mỉ, khéo léo trong từng cảnh quay, mà chính là họ đã tôn trọng nguyên tác, giữ nguyên lời thoại, không những vậy, họ còn làm cho nó rõ ràng hơn, đặc sắc hơn, che lấp đi những điều hạn chế trong tiểu thuyết, làm cho từng con người, từng câu chuyện trên trang giấy hiện lên một cách cụ thể và gợi cảm.

Trong truyện làm sao ta có thể thấy những buổi thiết triều không có mặt Nhược Hy, hay những âm mưu cung đình chỉ cảm ra được qua suy nghĩ của nàng? Làm sao ta thấy được ánh mắt thù địch của Tứ Gia và Bát Gia trong những lần đối mặt, hay ngay cả nhưng trận đua ngựa, những bài ca vũ, cũng như những trang sức vô cùng trang nhã, ví dụ như chiếc trâm mộc lan đã tốn bao giấy mực kia? Có thể nói, cảnh trong phim của Đường Nhân rất tình, và tình trong đó rất cảm. Nếu lấy cảnh quay đẹp, lối diễn tốt trong “Bộ Bộ Kinh Tâm” ra mà phân tích thì có thể nói mãi không hết, cảm nhận mãi không ngừng. Trong vô số những cái hay, cái đẹp đó mình lại thích nhất một cảnh quay, mà có lẽ theo một số bạn nghĩ nó rất thường. Cảnh quay đó không cần diễn viên phải khổ cực nai lưng chịu nóng, chịu lạnh, cũng không cần phải rặn ra khuôn mặt đau khổ khóc than, hay gượng cười vui vẻ, không cần phải dùng đến những kỹ xảo ánh sáng, kỹ thuật đồ họa cực kỳ khó khăn, nhưng những cái ý nhị, tinh tế trong đó có thể đánh đồng với tất cả những điều trên về độ khó và độ diễn đạt.



Đó là một cảnh ngắn trong tập 10, Nhược Hy, Bát Gia và Tứ Gia cùng nhau uống trà, mình đã xem đi xem lại cảnh đó rất nhiều lần. Nếu khâm phục cảnh quay này được tạo ra không có trong truyện một phần, tài diễn xuất của các diễn viên năm phần, thì khung cảnh mà Đường Nhân chọn để quay làm mình khâm phục đến mười phần. Đó là một cảnh sân vườn, không gian khoáng đãng, cây cối không rậm rạp nhưng cũng đủ có vài nét xanh dịu nhẹ trong cảnh. Bàn uống trà được đặt chính giữa khung hình, ba diễn viên ngồi cân đối, nếu lia máy hay thay đổi góc độ quay vẫn có thể nhìn rõ cả ba. Khi nhìn vào mình có cảm giác yên bình, thanh đạm nhưng không kém phần cầu kỳ và nho nhã. Đường Nhân đã khéo léo lồng phong cách uống trà của người xưa vào đoạn đối thoại đó, từng cử chỉ, từ cách pha, rót nước của Nhược Hy, cho đến cách Bát Gia và Tứ Gia uống trà rất cầu kỳ và cẩn thận. Bộ ấm trà tuy đơn giản nhưng toát lên sự nho nhã và tinh tế. Từng khung hình thay đổi theo lời nói của diễn viên cũng chứng tỏ sự khéo léo. Nếu là quay Bát Gia thì vẫn có mặt của Nhược Hy, và ngược lại nếu có Tứ Gia thì Nhược Hy vẫn xuất hiện trong khung hình. Tuy cả hai đang nói chuyện nhưng Nhược Hy vẫn cắm cúi tập trung pha trà, không lắng nghe hay tham gia câu truyện. Tứ Gia thì lâu lâu nhìn nàng với ánh mắt dịu dàng, nhưng sau đó lại trở nên lãnh đạm khi Bát Gia nhìn thấy. Bát Gia thì không nhìn chăm chú Nhược Hy nhưng lại để tâm đến Tứ Gia khi chàng nhìn nàng. Cả hai người tuy nói chuyện với nhau nhưng cái nhìn và lời nói rất khách sáo, cái nhếch mép của Tứ Gia hay ánh mắt mang nét cười lạnh nhạt của Bát Gia có thể thấy rõ tâm trạng của cả hai. Ánh sáng không quá chói cũng không quá mờ, tôn lên các màu sắc vốn có của cảnh và người một cách tự nhiên nhất. Một cảnh, chỉ vỏn vẹn 3 phút mà thấy được cái tình đầy xúc cảm, cái cảnh đầy sự thanh đạm, cái tinh tế trong nghệ thuật pha trà và cả tính cách của từng nhân vật, thử hỏi mấy ai làm được khéo léo như vậy?

………….



Và, mình lại có được cảm xúc tương tự trong “Phong Trung Kỳ Duyên”. Tuy rất không ưa bị cắt xén, bị đổi tựa đề, rồi phải đổi tên tất cả nhân vật làm đôi lúc phải nghe hai loại giọng khác nhau trong cùng một câu thoại, nhưng mình vẫn rất thích “Phong Trung Kỳ Duyên”. Không giống như “Bộ Bộ Kinh Tâm”, cảnh quay lúc nào cũng ảm đạm lạnh lẽo mang nét buồn, “Phong Trung Kỳ Duyên” có nhiều cảnh sắc vui tươi, rực rỡ hơn, trang phục cầu kỳ hơn, nhân vật, bối cảnh rộng lớn hơn. Cho đến lúc này, đã xem đến tập 12, không ai là không tỏ ra thích thú với bộ phim, không ai là không phục những nét duyên và tài năng của các diễn viên, cũng như sự tôn trọng nguyên tác gần như trọn vẹn của nó. Đường Nhân lại chứng tỏ thêm tài năng của mình qua những cảnh quay tỉ mỉ, khung hình sạch, âm nhạc ấn tượng khó quên. Mình đặc biệt thích cảnh quay ngoài trời, vì ở đó có ánh sáng tự nhiên nhất, rõ ràng nhất, nhà làm phim không cần phải chỉnh ánh sáng gì nhiều, nhất là cảnh sắc mang nhiều nét xanh của cây cỏ và đất trời. Tuy “Phong Trung Kỳ Duyên” có rất nhiều cảnh quay ngoài trời, mang nhiều màu xanh cây cỏ, ví dụ như cảnh Tần Nương gãy đàn trong rừng trúc, hay cảnh trong sân vườn Lạc Ngọc Phường với giàn Uyên Ương Đằng xanh ngăn ngắt, nhưng mình vẫn thích cảnh sân vườn nhà Cửu Gia. Cảnh sắc ấy không giống như tưởng tượng của mình khi lần đầu tiên đọc truyện, nhưng khi đã nhìn thấy và đọc một lần nữa thì cảnh ấy lại xuất hiện trong đầu mình. Không nhiều trúc, không thấy hồ, chuồng bồ câu cũng khá nhỏ nhưng tất cả đều toát lên nét thanh cao trong một gia đình nho nhã, mình khâm phục cách dựng cảnh của Đường Nhân, có thể mang được những cảnh đẹp thiên nhiên trong sự hạn hẹp của phim trường một cách tài tình như thế. Tất cả những điều đó đã tụ lại trong một cảnh quay, cảnh quay mà từ lâu rồi đã không làm mình say mê tua đi tua lại để xem thế này. Đó là cảnh Cửu Gia và Ngọc Cẩn cùng ăn mì trường thọ, đoạn này trong truyện chỉ chừng vài dòng chữ, nhưng Đường Nhân đã làm nó hiện lên một cách sống động và gợi cảm nhất. Nàng đã xúc động thế nào khi lần đầu tiên được chúc mừng sinh nhật, hẳn ai cũng có thể nhìn thấy. Nhưng cái cách Thi Thi diễn ra một loạt các biểu cảm muốn nói mà không thể nói, xúc động đến rơi nước mắt, cặm cụi ăn mì một cách tội nghiệp như thế, thì không phải ai cũng có thể diễn được. Còn Mạnh Cửu, từ đầu đến cuối im lặng nhìn nàng, tâm trạng từ ngạc nhiên, đến xót thương dịu dàng, rồi mỉm cười nhẹ cùng niềm hạnh phúc của nàng, thì ngoài Hồ Ca, ai mới có thể diễn ra tinh tế như thế? Không gian thiên nhiên tươi đẹp, ẩn hiện cành lá trúc thanh tao, tôn lên hình ảnh hai người ở giữa với màu sắc trang phục nhã nhặn, cộng với nhạc nền nhẹ nhàng tinh túy, vậy cảnh quay này có xứng đáng được điểm 10 hay không?

Vậy nên đừng vội chê bai một bộ phim chỉ vì bạn không thích diễn viên đó, hay không thích nội dung đó. Hãy để ý đến từng chi tiết nhỏ khách quan hơn về cảnh quay hay cách diễn của diễn viên, biết đâu bạn sẽ tìm thấy những điều rất hay. Dù là hay hoặc dở thì đó đã là công sức của rất nhiều người, đã bỏ ra rất nhiều thời gian để có được. Giống như khi hỏi nhận xét của Đồng Hoa về các phim chuyển thể, chị ấy đã nói rằng:
“Truyện có thể là kết quả của một cá nhân, nhưng phim là thành quả của cả một tập thể, cho nên tôi sẽ không có một nhận xét nào đúng nghĩa, chỉ chờ xem họ diễn ra sao thôi.”

Đoạn trích BBKT:
Clip phim trường ĐMD:
 
Banner Fshare
Banner Fshare
Top